Đặc sản Việt Nam làm tại Trung Quốc

Nhiều loại trái cây sấy khô dán nhãn hàng Việt nhưng thực chất lại là hàng Trung Quốc (ảnh chụp tại chợ Bến Thành, TP.HCM) – Ảnh:  T.T.D.

Một số người kinh doanh tại chợ Bến Thành (TP.HCM) luôn giới thiệu với người mua rằng hàng bán tại đây là đặc sản của Hà Nội, Đà Lạt nhưng thực tế đó là hàng Trung Quốc.

Lập lờ hàng đặc sản

So với giá các mặt hàng cùng loại nhập khẩu từ Trung Quốc, giá bán “hàng Hà Nội, Đà Lạt” tại chợ Bến Thành cao gấp đôi. Cụ thể, xí muội Trung Quốc giá 50.000 đồng/kg nhưng hàng Hà Nội có giá 120.000-130.000 đồng/kg tùy loại; mứt kiwi tại chợ này cũng cao hơn giá thị trường khoảng 70.000 đồng/kg; mứt dừa, mứt gừng… giá bán chênh 40.000-50.000 đồng/kg…

Tại sạp H nằm ngay khu vực giữa chợ, khi chúng tôi mua và hỏi nguồn gốc hàng, người bán hàng khẳng định chắc nịch: ô mai, xí muội, mứt trái cây… tại sạp đều là hàng đặc sản của Hà Nội. Mứt kiwi và một số loại trái cây khô được giới thiệu sản xuất tại Đà Lạt. Không chỉ sạp H, nhiều sạp bán hàng khô ở chợ Bến Thành đều có bán các mặt hàng của cơ sở TT với giá cao ngất ngưởng.

Theo quan sát của chúng tôi, hầu hết các mặt hàng “đặc sản Hà Nội, Đà Lạt” bán tại chợ Bến Thành đều được để trong các bọc nilông lớn, khoảng 5-10kg. Nếu nhìn thoáng qua thì các bọc hàng này không có nhãn mác. Tuy nhiên, phía dưới các bọc hàng được giới thiệu sản xuất tại Hà Nội, Đà Lạt có dán nhãn nhỏ, trên nhãn ghi: Nơi sản xuất: cơ sở TT; địa chỉ nơi sản xuất tại lô L, khu cư xá Phú Lâm A, P.12, Q.6, TP.HCM.

“Lên đời” cho hàng Trung Quốc

Lần theo thông tin ghi trên nhãn, chúng tôi đến đúng địa chỉ tại khu cư xá Phú Lâm A. Tại cơ sở TT, chị T. – chủ nhà – tiếp đón niềm nở: “Chị không cần phải tới tận nhà, chỉ cần alô, em đem hàng tới tận nơi, giá cả báo trước qua điện thoại. Khách của em bên Q.1, Q.5, Q.Phú Nhuận… đều không phải đi lấy hàng, em đem giao hết. Chị muốn xem mẫu, em dẫn ra chợ Bình Tây, em có một sạp lớn ngoài đó. Bán hàng này lời lắm”. Là cơ sở sản xuất nhưng tại địa điểm này lại là nhà riêng của chị T., căn nhà chừng 50m2, không hề có hoạt động sản xuất ở đây.

Khi chúng tôi ngỏ ý muốn xem việc sản xuất ra sao, có đảm bảo vệ sinh không, chị T. cho hay: “Mấy chị ngoài chợ Bến Thành không nói chị biết sao? Em có sản xuất gì đâu. Hàng của em hết thảy nhập từ Trung Quốc, vậy bán mới lời. Em chỉ lấy giá mềm, 40.000-50.000 đồng/kg tùy loại. Chị bán được tới hơn 100.000 đồng/kg”.

Cũng theo chị T., chỉ cần dán thêm nhãn như các sạp ở chợ Bến Thành là hàng được giá hơn rất nhiều. Khi giao hàng, chị T. sẽ cung cấp nhãn mác đầy đủ thông tin tên, địa chỉ sản xuất. Khi đó chỉ có người bán biết đó là hàng Trung Quốc, còn khách hàng đinh ninh đây là hàng nội. Thậm chí các cơ quan quản lý cũng không hay biết – theo chị T. – vì thực tế chưa có cơ quan nào đến tận “nơi sản xuất” ghi trên nhãn là nhà chị để kiểm tra.