Món đặc sản Việt Nam

1. Chả cá Lã Vọng (Hà Nội):

Chả cá Lã Vọng được làm từ cá lăng, cá nheo, cá quả. Thịt cá phi lê ướp với bột nghệ, bột ngọt, gừng sợi, nước mắm, mắm tôm, hành tím băm, tỏi băm, mẻ, ớt băm, nước củ riềng… sau đó kẹp vào cặp tre rồi nướng.

Chả cá Lã Vọng. Ảnh: VK.

Tiếp theo phi hành tím cho thơm, bỏ thêm ít hành lá cắt khúc lớn, rau thì là cắt khúc và nước ướp cá vào chảo dầu, xào lên. Cuối cùng cho thịt cá đã nướng vào xào, đảo nhẹ tay để thịt cá không bị nát. Nêm nếm cho vừa ăn. Chả cá ăn kèm với bún, bánh tráng nướng, mắm tôm, cơm dừa xắt mỏng, đậu phộng chiên và dưa chua.

Ngày đông giá rét, ngồi bên chiếc lò nướng chả ấm áp, thưởng thức món chả cá nóng hổi cùng bánh đa nướng, bún, các loại rau thơm… lúc này bạn có thể thưởng thức món ăn này bằng cả vị giác và khứu giác của mình.

2. Lợn “cắp nách” 6 món (Lai Châu):

Lợn “cắp nách” (một số nơi gọi là lợn lửng) là loại lợn đặc sản chỉ có ở vùng cao và nhiều nhất ở Lai Châu.

Lợn cắp nách (Lai Châu). Ảnh: VK.

Giống lợn này có sức chịu đựng rất giỏi, chúng tự tìm củ, rễ cây và lá rừng để ăn. Lợn con mới đẻ đã có thể chạy nhảy, chỉ theo bố mẹ vài ngày rồi tách ra. Do ăn cây cỏ tự nhiên và chậm lớn, mỗi con chừng 10 đến 15 kg nhưng thịt lợn cắp nách rất thơm ngon, trở thành món đặc sản hấp dẫn thực khách.

3. Thịt trâu khô (Điện Biên):

Thịt trâu khô là món ăn được hình thành khi đồng bào các dân tộc mổ trâu, nếu không ăn hết thì những tảng thịt trâu được tẩm gia vị rồi gác lên bếp hong khô.

Thịt trâu khô Điện Biên. Ảnh: VK.

Cách làm thịt trâu, bò khô cũng khá đơn giản. Những miếng thịt lớn được tẩm ướp muối, trộn với các gia vị điển hình đó là gừng, mắc khén, gấc, ớt… Sau khi tẩm ướp xong những miếng thịt được hong khô cho se lại, rồi được đồ cách thủy, và tiếp tục hong trên bếp cho đến khi khô hẳn.

4. Bún cá rô đồng:

Cá rô được luộc lên, gỡ từng miếng thịt, ướp gia vị cho thật thấm rồi rán vàng lên, hoặc viên lại từng viên cho vào tô bún. Sự hiện diện của miếng cá rô dai mịn, thịt cá rô xào nghệ ngọt tươi, độ béo giòn của thịt cá rô chiên tạo thành hương vị có sức quyến rũ lạ thường.

Bún cá rô đồng. Ảnh: VK.

Nước dùng của bát bún cá rô đồng thuần túy làm từ cá rô, không thêm xương lợn. Cho vào cứ một phần cá tươi thì hai phần rưỡi nước nấu đến khi nào thịt và xương cá rã ra thì lọc bỏ xác cá, lấy nước cốt rồi cho gia vị vào.

Trên bát bún cá, ngoài hành hoa, rau thì là tươi non, cũng có thể ăn kèm với rau cải xanh, cải cúc hay rau cần điểm xuyết thêm lớp trứng cá mịn màng, vàng ruộm tạo cho bát bún thêm phần hấp dẫn.